Hàng nghìn hộ dân ở Long An thiếu nước sạch sinh hoạt

Thứ 3, 18/06/2019, 09:30 GMT+7

Nỗ lực đưa nước sạch về phục vụ người dân ở các xã vùng hạ của các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, tỉnh Long An đã triển khai nhiều dự án cấp nước quy mô lớn.

hang-nghin-ho-dan-o-long-thieu-nuoc-sach-sinh-hoat

Người dân xã Phước Vĩnh Đông đến lấy nước ở các điểm cấp nước miễn phí của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An

Thế nhưng người dân vẫn phải chờ đợi... dù hệ thống trạm tăng áp, đường ống dẫn đã cơ bản hoàn thành.

Các xã vùng hạ thuộc hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc là nơi bức xúc nhất về nguồn nước sạch sinh hoạt của tỉnh Long An. Nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân ở đây phải chịu cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước chủ yếu lấy từ các giếng khoan, trạm cấp nước tập trung hay nguồn nước mưa dự trữ không đảm bảo tiêu chuẩn.

Hàng năm, cứ vào mùa khô, nguồn nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày của người dân khan hiếm, các ao, hồ trữ nước ngọt, bể và lu chứa nước mưa đều cạn đáy. Trên các sông, kênh, rạch nguồn nước đều bị nhiễm mặn. Người dân địa phương phải mua nước ngọt sinh hoạt với giá cao, có lúc lên đến 200 – 300 nghìn đồng/m3, tiền mua nước dùng còn cao hơn cả tiền mua gạo hàng tháng khiến cuộc sống trở nên chật vật.

Nhiều thời điểm, chính quyền địa phương phải nhờ Quân đội hỗ trợ điều các xe bồn liên tục chở nước ngọt để cung cấp cho người dân. Do giá nước quá cao, nguồn nước khó khăn nên khi sử dụng phải rất tiết kiệm, nước vo gạo xong còn dùng để rửa chén hay cho gia súc, gia cầm uống…

Tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt diễn ra trầm trọng nhất ở các xã như Tân Tập, Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc); Long Hựu Đông, Long Hựu Tây (huyện Cần Đước)…

Ông Trần Minh Chính, ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc cho biết: Gia đình tôi có 5 người, dùng tiết kiệm lắm, mỗi tháng cũng hết cả chục khối nước. Vào mùa khô, nước ngọt cạn kiệt, phải mua nước với giá cao nên rất tốn kém, lại phải mất nhiều công sức để đưa nước từ xe về nhà.

Việc sử dụng phải rất tiết kiệm, nước giặt áo quần xong để lắng lại rồi tưới cây, nước rửa tay chân được tận dụng cho gà, vịt uống. Người dân nơi đây mong muốn sớm được giải quyết tình trạng trên.

Để giải quyết bài toán khó về nguồn nước sạch, tỉnh Long An đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn về nguồn nước ở vùng hạ các huyện Cần Giuộc, Cần Đước.

Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh của toàn tỉnh đạt 98%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch là 45%; đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định, bền vững nhằm đảm bảo sức khỏe, nâng cao mức sống cho cư dân vùng nông thôn.

Nhiều dự án cấp nước quy mô được triển khai thực hiện như: Dự án cấp nước cho huyện Cần Giuộc và Cần Đước; dự án án cấp nước cho hai xã Phước Lại, Long Hậu (huyện Cần Giuộc); dự án cấp nước cho 5 xã vùng hạ huyện Cần Giuộc; dự án cấp nước cho 4 xã vùng hạ huyện Cần Đước…

Đến nay, một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng được phần nào nhu cầu bức thiết của người dân. Các dự án khác dù đã cơ bản hoàn thành nhiều hạng mục như trạm tăng áp, mạng lưới đường ống dẫn…nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn cấp nước hoặc nguồn cung cấp không đủ công suất.

Nguyên nhân chính là do nguồn nước ngọt tại chỗ ở các địa phương này không đảm bảo, thường xuyên nhiễm mặn, một số nơi không có mạch nước ngầm nên khai thác không đủ công suất cung cấp cho người dân.

Phần lớn các dự án cấp nước phải xây dựng đường ống tiếp nhận nguồn nước sạch từ Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) mới đảm bảo công suất phân phối đến các hộ dân.

Tuy nhiên hiện nay, việc thi công các đường ống tiếp nhận nguồn nước này chưa thể triển khai do gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành – Dầu Giây tại nút giao ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cần Giuộc - Phạm Tấn Lợi, tại các xã vùng hạ huyện Cần Giuộc không thể khai thác được nguồn nước ngầm nên bắt buộc địa phương phải tìm nguồn nước cấp từ bên ngoài, trong đó chủ yếu thỏa thuận lấy nguồn nước từ Sawaco với lưu lượng dự tính khoảng 30.000 m3/ngày đêm.

Huyện đã chủ động đầu tư và kêu gọi đầu tư các trạm tăng áp, hệ thống đường ống cấp nước. Tuy nhiên, điều khó nhất là những công trình này dù đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn để không chờ đợi nguồn cung cấp nước từ Sawaco.

Tương tự, huyện Cần Đước đang chờ nguồn nước này để đảm bảo cung cấp cho người dân. Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước cho biết: Trên địa bàn huyện, dự án cấp nước cho các xã vùng thượng đã hoàn thành, nguồn nước sạch cấp cho người dân cơ bản ổn định.

Các xã vùng hạ vẫn đang chờ nguồn cấp nước từ Thành phố Hồ Chí Minh do nguồn nước khai thác tại chỗ không đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân./.

Nguồn: Bùi Giang/TTXVN

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc