Đồng Bằng Sông Cửu Long: Tài Nguyên Nước Ngầm Chưa Được Quản Lý, Khai Thác Hiệu Quả

Thứ 6, 13/05/2016, 09:54 GMT+7

Xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài đã làm suy kiệt nguồn nước ngầm trong hệ thống các sông ngòi, kênh rạch, hồ chứa… ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong khi đó, nước ngầm được xác định là nguồn tài nguyên chiến lược, nhưng vẫn chưa được quản lý, khai thác hiệu quả…

Nước ngầm

Khai thác tràn lan
 
Ở những vùng nông thôn ĐBSCL, hầu như gia đình nào cũng “đóng” một giếng khoan, có hộ 3-4 giếng. Ỷ lại vào nguồn nước tưởng chừng như vô tận này, không ít người có tâm lý sử dụng phung phí, “xài thoải mái”. Với tay bật công tắc điện, lập tức nước giếng phun trào, chảy tràn ra chậu giặt quần áo, ông Trần Văn Tuấn ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nói: “Cây nước này tôi khoan hơn chục năm rồi nhưng chất lượng tốt lắm, ngoài phục vụ cho sinh hoạt gia đình, tôi còn dùng nước để vệ sinh chuồng trại, tưới vườn”.
 
Điều lo ngại là không chỉ lấy nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, người dân còn tự ý khoan giếng, khai thác ồ ạt để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Lập ở xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Gia đình tôi vừa vay 1,6 triệu đồng làm cái giếng khoan (tầng nông).
Nếu không có cái giếng này, toàn bộ 0,5ha bắp (ngô) đang trổ bông, đậu trái sẽ chết sạch”. Tỉnh Trà Vinh có hơn 30.000ha hoa màu, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 9.000ha bị thiệt hại. Mùa khô năm nay, trước tình hình nước mặt bị nhiễm phèn, mặn; giếng tự đào và ao chứa nước mưa đều cạn khô, ông Lập cũng như hàng nghìn người dân trồng hoa màu tỉnh Trà Vinh chỉ còn cách khoan giếng cứu cây trồng.
 
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước ngầm gia tăng mạnh mẽ do tình trạng bùng nổ các hoạt động nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, nhất là nuôi tôm tại các địa phương ven biển của ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, tổng số giếng khoan trong tỉnh đã lên đến hơn 138.080, lưu lượng nước khai thác khoảng 400.000m3/ngày đêm.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 80.000 giếng khoan, trong đó chỉ riêng thị xã Vĩnh Châu đã có hơn 22.000 giếng các loại. Ông Nguyễn Vũ Lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Vĩnh Châu lo ngại: Nông dân trên địa bàn, nhất là những hộ chuyên canh hoa màu không còn đào giếng trữ nước để tưới mà chuyển sang khai thác nước ngầm. Những hộ nuôi tôm, cá cũng vậy, họ rất cần nước ngầm để điều tiết độ mặn trong ao, giúp tôm, cá khỏi chết. Các tầng nước ngầm đang bị khai thác vượt kiểm soát…
Hệ lụy khó lường
 
Theo Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, tính đến năm 2015, mực nước ngầm của ĐBSCL đã bị tụt giảm khoảng 15m. Nếu như trước đây, giếng khoan cần độ sâu khoảng 100m là có thể khai thác được nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thì nay phải khoan sâu gấp đôi. Nghiêm trọng hơn, một tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm ở ĐBSCL đã bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất không sử dụng được. Đây là hệ lụy của việc khai thác nước ngầm tràn lan, quá mức và tình trạng sử dụng hóa chất bừa bãi, xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…
 
PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định, mỗi năm mực nước ngầm của ĐBSCL tụt giảm 40cm, kéo theo lún sụt mặt đất, tạo điều kiện cho nước biển dâng cao, mặn nhập sâu.
 
Ông Trần Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang thốt lên: “Hầu hết các giếng khoan trên địa bàn xã đều cạn kiệt, chứng tỏ nước ngầm đã sụt giảm nghiêm trọng. Hơn 160 hộ dân trong xã đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt nhưng khoan tìm nguồn nước rất khó”. Ông Nguyễn Việt Bình, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang lắc đầu: “Mấy năm nay, người dân địa phương không thể khoan giếng vì nước biển đã xâm nhập sâu vào lòng đất”.
Nước ngầm
Ông Lương Văn Tân, Phó trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản-Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ thông tin: Mực nước ngầm trên địa bàn thành phố liên tục giảm do khai thác phục vụ sinh hoạt. Tuy lưu lượng nước ngầm vẫn còn ở ngưỡng cho phép, nhưng mực nước tĩnh bị giảm đáng kể so với trước đây.
Thạc sĩ Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết: Ở nhiều nơi trong tỉnh, nhất là vùng ven biển, nguồn nước ngầm đã bị nhiễm mặn. Mỗi năm mực nước ngầm sụt giảm 20-30cm do lạm dụng trong khai thác phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Việc khai thác nước ngầm nhiều, khi các giếng khoan hư hỏng không được trám lấp đúng quy trình cũng khiến nguồn nước bị ô nhiễm do nước mặt đi vào.
Theo PGS, TS Đoàn Văn Cánh (Hội Địa chất thủy văn Việt Nam), một trong những chỉ tiêu đánh giá sự ổn định của nguồn nước là thời hạn phục hồi nguồn nước. Đối với dòng chảy trên mặt, thời gian đó khoảng 16 ngày đêm, còn đối với dòng ngầm phải mất đến 1,5 nghìn năm. Một khi nguồn nước ngầm bị cạn kiệt thì khả năng phục hồi vô cùng khó.
 
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay ĐBSCL vẫn chưa có quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Vì chưa có quy hoạch nên việc khai thác không được kiểm soát hiệu quả, dẫn đến hàng loạt tác động tiêu cực như: Cạn kiệt cục bộ, gia tăng quá trình ô nhiễm trên bề mặt, quá trình nhiễm mặn, sụt lún nền đất.
 
Tại tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian chờ khoanh định, công bố khu vực phải đăng ký, khai thác nước dưới đất, UBND tỉnh đã ban hành văn bản quy định cụ thể thẩm quyền tổ chức việc đăng ký khai thác nước dưới đất nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác tràn lan, gây ảnh hưởng xấu đến số lượng cũng như chất lượng nguồn tài nguyên nước. Cụ thể, đối tượng khai thác, sử dụng nước dưới đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm phải lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác.
Riêng các trường hợp đã đăng ký theo Luật Tài nguyên nước năm 1998 với quy mô khai thác hơn 10m3/ngày đêm, phòng tài nguyên và môi trường các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho các tổ chức, cá nhân đã đăng ký lập hồ sơ đề nghị cấp phép mới theo quy định.
 
Ông Lương Văn Tân, Phó trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản-Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ đã tiến hành lập quy hoạch nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay việc lập quy hoạch nước mặt đạt 50%, còn quy hoạch nước ngầm mới đạt khoảng 10%. Việc chậm hoàn thành việc lập quy hoạch tài nguyên nước mặt, nước ngầm đã gây khó khăn cho việc ban hành vùng cấm, vùng tạm thời cấm hoạt động khai thác nước dưới đất, công tác cấp phép thiếu chủ động, việc xây dựng danh mục giếng khoan không còn sử dụng, cần trám lấp chưa kịp thời.
 
Ông Triệu Đức Huy, Phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra nước quốc gia cho rằng, để quản lý tài nguyên nước ngầm hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để phân bổ nước ngầm sử dụng hợp lý. Nước ngầm là tài nguyên chiến lược nên cần có định hướng quy hoạch khai thác tổng thể, không thể mạnh ai nấy làm như hiện nay.
 
Nguồn: qdnd.vn
Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc